QBU - Quality - Betters - Us

Giới thiệu

PHÒNG TỔ CHỨC – HÀNH CHÍNH

I. Chức năng

Phòng Tổ chức – Hành chính có chức năng tham mưu, giúp Hiệu trưởng thực hiện công tác tổ chức cán bộ, công tác hành chính, tổng hợp, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và công tác quản lý nhà nước về thanh niên.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Công tác tổ chức cán bộ

a) Chủ trì tham mưu xây dựng trình Hiệu trưởng phê duyệt, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ, quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức Nhà trường theo từng giai đoạn;

b) Nghiên cứu và đề xuất các phương án xây dựng cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Trường. Tổ chức xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý của Trường phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển;

c) Soạn thảo hệ thống văn bản, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, hành chính, bảo vệ chính trị nội bộ và lĩnh vực khác được giao trình Hiệu trưởng và các cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Tổ chức tuyển dụng viên chức hàng năm đúng quy trình, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Sắp xếp, bố trí viên chức phù hợp với vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Ký kết hợp đồng làm việc, công nhận hoàn thành chế độ tập sự, bổ nhiệm ngạch, xếp hạng viên chức và chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức theo quy định của Nhà nước;

đ) Tuyên truyền và thực hiện đầy đủ, chính xác và kịp thời chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động theo quy định của Nhà nước;

e) Quy hoạch, tuyển chọn viên chức trình Hiệu trưởng và các cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành các thủ tục cử đi công tác, đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước, nước ngoài và tiếp nhận trở về công tác;

g) Tổ chức đánh giá, xếp loại, bình bầu thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức hàng năm trình Hiệu trưởng và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Triển khai công tác kê khai, công khai minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân hàng năm theo quy định;

h) Hướng dẫn quy trình và chuẩn bị hồ sơ nhân sự để Hiệu trưởng ra quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Trường theo phân cấp;

i) Quản lý hồ sơ công chức, viên chức và người lao động trong toàn Trường. Nắm vững lịch sử chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của từng cá nhân để tham mưu cho Lãnh đạo Trường về công tác cán bộ, công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý;

k) Thực hiện công khai và phổ biến các quy chế, quy định liên quan đến lĩnh vực được giao trong toàn Trường;

l) Thực hiện thông tin, báo cáo đầy đủ với các cấp có thẩm quyền về lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ theo yêu cầu. Thường xuyên cải tiến công tác tổ chức quản lý cán bộ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quản lý điều hành Nhà trường theo hướng tinh giản, gọn nhẹ và hiệu quả. Quản lý chặt chẽ, có hệ thống hồ sơ công việc liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị.

2. Công tác hành chính, tổng hợp

a) Tiếp nhận, phân loại và xử lý văn bản đến, văn bản đi, các loại báo chí đúng quy trình, đảm bảo an toàn, bí mật. Quản lý, sử dụng con dấu của Trường đúng quy định của pháp luật. Sao y các văn bản (trừ văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm) do Nhà trường ban hành; xác nhận chữ ký và nội dung một số văn bản có liên quan. Cấp giấy giới thiệu, giấy đi đường cho công chức, viên chức, người lao động được cử đi công tác ngoài Trường và ký xác nhận giấy đi đường cho khách từ các cơ quan khác đến công tác và lưu trú tại Trường. Quản lý và tổ chức công tác lưu trữ văn bản, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật về lưu trữ;

b) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị khác để bảo đảm các yêu cầu về vật chất, điều kiện làm việc và các loại văn bản, tài liệu phục vụ cho các cuộc họp, các hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, tập huấn, tiếp khách của Trường. Quản lý cơ sở vật chất, được phép mua sắm một số văn phòng phẩm, vật tư trang thiết bị làm việc và đảm bảo yêu cầu vật chất phục vụ mọi hoạt động, công tác của Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng và các đơn vị;

c) Tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của Nhà trường tháng, quý, năm và báo cáo định kỳ theo yêu cầu của cấp trên;

d) Lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức và người lao động. Làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong Nhà trường. Quản lý, sử dụng và bảo quản tốt cơ sở vật chất, thuốc men và tài sản khác của Phòng Y tế;

đ) Theo dõi, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định quản lý và sử dụng xe ô tô do Hiệu trưởng ban hành;

e) Lễ tân, sắp xếp, hướng dẫn khách đến các phòng chức năng để giải quyết công việc.

3. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ

a) Phối hợp với Ban bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng ủy Trường và đơn vị chức năng thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Trường. Theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng của công chức, viên chức trong Trường, kịp thời phản ánh, đề xuất biện pháp giải quyết những sai lệch, vướng mắc của công chức, viên chức. Giúp Hiệu trưởng xác minh lý lịch, nhận xét đánh giá viên chức, người lao động hàng năm và khi có yêu cầu theo quy định phân cấp quản lý;

b) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức đang học tập, nghiên cứu và thực tập ở nước ngoài. Cung cấp thông tin liên quan đến công chức, viên chức, người lao động và định kỳ báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền về công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo yêu cầu của Hiệu trưởng.

4. Công tác quản lý nhà nước về thanh niên

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Hiệu trưởng ban hành các chương trình, kế hoạch giai đoạn, hàng năm về công tác thanh niên của Nhà trường; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch trong toàn Trường;

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin liên quan đến thanh niên và định kỳ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về công tác thanh niên.

5. Công tác khác

a) Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ viên chức của đơn vị trình Hiệu trưởng phê duyệt;

b) Quản lý viên chức, người lao động trong đơn vị theo phân cấp của Hiệu trưởng;

c) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho viên chức, người lao động; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức của đơn vị;

d) Tổ chức đánh giá, xếp loại và xét bình bầu thi đua đối với viên chức quản lý, viên chức, người lao động trong đơn vị và tham gia đánh giá cán bộ quản lý trong Trường theo quy định của Nhà trường;

đ) Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài sản của Nhà trường giao cho đơn vị đúng quy định;

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến chức năng của đơn vị và do Hiệu trưởng phân công.

Lịch sử của trường

Trường Đại học Quảng Bình được thành lập theo Quyết định số 237/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường CĐSP Quảng Bình mà tiền thân là Trường Trung cấp Sư phạm Quảng Bình được thành lập từ năm 1959. 

Đây là trường đại học duy nhất của tỉnh Quảng Bình, đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực. Với hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường Đại học Quảng Bình đã trải qua 7 giai đoạn.

SỨ MẠNG

Trường Đại học Quảng Bình là trường đại học công lập, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Bình và cả nước.

TẦM NHÌN

Trường Đại học Quảng Bình phát triển theo định hướng ứng dụng. Phấn đấu trở thành trường đại học có uy tín trong cả nước và khu vực; là trung tâm hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Thành tích của sinh viên sau khi tốt nghiệp là thước đo sự thành công của Nhà trường.

Giai đoạn 1959 - 1965

Đây là chặng đường đầu tiên với muôn vàn khó khăn, thử thách. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Cùng với việc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, hàn gắn viết thương chiến tranh, Đảng và Nhà nước chú trọng đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Ngày 22/7/1959 Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 379/NĐ thành lập một số trường sư phạm, trong đó có trường Trung cấp Sư phạm Quảng Bình. Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp 2 về khoa học tự nhiên và xã hội phục vụ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Cơ sở đầu tiên của Trường đóng tại Tam Tòa (Đồng Hới). Ban đầu Trường có 3 tổ chuyên môn là tổ Tự nhiên, tổ Xã hội, tổ Bộ môn chung và 5 tổ hành chính là tổ Giáo vụ, tổ Hành chính – Quản trị, tổ Tài vụ, tổ Tổ chức và tổ Nhà ăn.

Ngày 27/10/1959, tại thị xã Đồng Hới, Trường đã tổ chức Lễ khai giảng khóa học đầu tiên. Từ năm 1959 đến 1965, Trường đã đào tạo được 3417 giáo viên, trong đó 1.151 giáo viên cấp 2 ; 2.266 giáo viên cấp 1, phục vụ cho Quảng Bình, Hà Tĩnh và Vĩnh Linh.

Giai đoạn 1965 – 1975

Thời kỳ này Trường trải qua những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ nhưng cũng rất anh dũng, kiên cường; vừa giảng dạy, vừa phục vụ sản xuất và chiến đấu, đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào.

Do điều kiện chiến tranh, từ 1965 đến 1975, Trường đã phải 8 lần chuyển địa điểm, qua nhiều nơi, từ miền núi xuống đồng bằng, đủ các địa bàn Đông, Tây, Nam, Bắc của Quảng Bình. Tháng 1/1965, Trường chuyển về đóng tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, một vùng bán sơn địa ở phía Tây Nam Đồng Hới. Tháng 2/1965, Trường lại sơ tán về Văn Hóa, Tuyên Hóa, một xã miền núi bên bờ sông Gianh, ở Tây Bắc Quảng Bình. Tháng 8/1965 thầy và trò lại phải di chuyển đến Ngọn Rào (Bố Trạch), một thung lũng cách Đường 15 theo đường chim bay chưa đầy 15 km, nơi thường xuyên bị máy bay địch oanh tạc. Một năm sau, tháng 10/1966, Trường chia làm 2: Sư phạm sơ cấp chuyển về thôn Cây Lim thuộc xã Lâm Trạch (Bố Trạch); Sư phạm trung cấp chuyển về xã Quảng Tân (Quảng Trạch). Tháng 6/1967 Trường lại sơ tán đến Cao Mại, một xã rẻo cao ở huyện Tuyên Hóa.

Tháng 11/1968 đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Tỉnh có chủ trương chuyển Trường về đồng bằng để vừa học vừa sản xuất. Tháng 8/1970 Trường chuyển về xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Nhưng kế hoạch sản xuất (trồng cói lác) không khả thi nên UBND tỉnh lại chuyển Trường về Phú Định, một vùng đồi ở miền Tây Bố Trạch. Đầu năm học 1974-1975, Trường chuyển về Zét, ở phía tây Đồng Hới, sát trung tâm hành chính của Tỉnh lúc bây giờ là Cộn, kết thúc cuộc trường chinh 10 năm khói lửa của thầy và trò trường Trung cấp sư phạm Quảng Bình.

Trong 10 năm chiến tranh gian khổ, thầy và trò đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh, mất mát, đào tạo được 2.263 giáo viên và bồi dưỡng hàng trăm giáo viên các bậc học mầm non, cấp 1 và cấp 2, đảm bảo an toàn phòng không, tích cực phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất. Trường Trung cấp Sư phạm Quảng Bình là 1 trong 9 trường sư phạm trên toàn miền Bắc được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc của ngành giáo dục; được Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng 3, huân chương kháng chiến hạng 3; được Bộ Giáo dục và UBND Tỉnh tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen, giấy khen.

Năm 1970, Tỉnh quyết định nhập 4 trường: Trường Sư phạm trung cấp, Trường Sư phạm sơ cấp, Trường Sư phạm Mẫu giáo, Trường Sư phạm Bồi dưỡng thành Trường Sư phạm Quảng Bình. Cuối năm học 1973-1974, Trường Sư phạm Quảng Bình lại tách làm 3 trường: Trường Sư phạm cấp 1; Trường Sư phạm 10+3 và Trường Sư phạm mẫu giáo.

Giai đoạn 1975-1979

Sau chiến tranh, đất nước bộn bề khó khăn, thiếu thốn, nhưng với truyền thống anh hùng và nhiệt tình cách mạng, Trường Sư phạm 10+3 đã không ngừng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Giai đoạn này được đánh giá là thời kỳ phát triển sôi động nhất của Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình.

Năm 1976 ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình có thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên tăng cường cho vùng mới giải phóng ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Thời kỳ này Trường chuyển về phía Tây Cộn, trên một khu đất rộng rãi với cơ sở vật chất để lại của một số cơ quan cấp tỉnh đã chuyển vào Huế. Từ 1976-1979, Trường đã đào tạo được 2.479 giáo viên cấp 2 hệ 10+3, chi viện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kịp thời đáp ứng nhu cầu giáo dục của cả tỉnh. Cũng thời gian này, Trường đã quan tâm chuẩn hóa đội ngũ, động viên một số giáo viên đi học sau đại học khóa đầu tiên tại Hà Nội.

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, ngày 21/8/1978, Chính phủ quyết định nâng cấp Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình thành Trường Cao đẳng Sư phạm. Đây là thành quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của thầy và trò, là mốc quan trọng trong lịch sử Nhà trường. Ngày 20/3/1979, Nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.